Thân thế và cuộc sống ban đầu Tống_Nhân_Tông

Tống Nhân Tông có tên lúc khai sinh là Triệu Thụ Ích (趙受益)[15]. Ông chào đời vào ngày 12 tháng 5 năm 1010, là con trai thứ sáu của Tống Chân Tông Triệu Hằng, mẫu thân là thần phi họ Lý. Khi ấy Tống Chân Tông bị muộn con, các phi tần trong cung tuy có hạ sinh Hoàng tử nhưng đều chết yểu cả. Trong cung Lưu Đức phi là người đắc sủng nhất nhưng vì xuất thân thấp kém, Chân Tông có ý lập bà ta làm hoàng hậu song không tìm ra được lý do gì. Lý thị khi đó là cung nữ theo hầu Đức phi, nằm mộng thấy có điềm báo rằng mình sẽ sanh con trai[16]. Lưu Đức phi bèn dùng kế, sai Lý thị vào hầu Chân Tông, đến khi bà có mang và sinh con liền cướp đứa bé làm con mình. Do có công sinh được hoàng tử, vào năm 1013, Lưu thị được sắc phong làm Hoàng hậu[16].

Tuy nhiên trong dân gian vẫn truyền miệng về sự tích Ly miêu tráo thái tử. Theo đó thì Lưu đức phi và Lý thần phi năm đó cùng mang thai. Lưu đức phi sinh con gái nhưng chết yểu còn Lý thần phi sinh con trai. Đức phi bèn lập mưu cùng hoạn quan Quách Hòe tráo con của thần phi bằng một con Ly miêu và nói rằng Lý thị sinh ra yêu nghiệt. Sau đó Lưu phi được phong làm hoàng hậu, còn Lý phi bị đuổi ra khỏi hậu cung và lưu lạc dân gian còn thái tử được Bát Hiền vương đưa về phủ bảo hộ. Về sau Chân Tông không có con trai, bèn lập con của Bát Hiền vương làm thái tử, chính là Nhân Tông. Đến cuối đời, Lý thị gặp được Bao Thanh Thiên nên được hóa giải nỗi oan và được vua đón vào cung tôn làm Hoàng thái hậu. Tuy nhiên Tống sử không hề nhắc một dòng nào về việc này, và thậm chí còn đưa ra mối hiềm nghi Lưu thái hậu khi biết mình mắc bệnh đã hạ lệnh giết chết Lý thần phi để đề phòng sau này mình qua đời, Nhân Tông nhận lại thần phi thì gia tộc họ Lưu sẽ gặp điều bất lợi. Vì thế có thể nói câu chuyện Ly miêu tráo thái tử là không có thực[17][18].

Hoàng tử Thụ Ích tính tình nhân hiếu, khoan hòa, vui buồn không có biểu lộ ra sắc mặt[15]. Vào năm 1014, ông được tấn phong làm Khánh quốc công, đến năm 1015 lại thăng làm Thọ Xuân quận vương, đến học tại Tư Thiện đường. Năm 1017, được kiêm Trung thư lệnh. Năm sau (1018), ông được tiến phong lên tước thân vương, tức là Thăng vương. Ngày 20 tháng 8 năm 1018, ông được tấn phong làm Hoàng thái tử, lấy Tham chính Lý Địch làm tân khách của thái tử[15][19]. Ngày 26 tháng 8, thái tử vào yết thái miếu. Năm 1020, Chân Tông lâm bệnh, có chiếu năm khai mở Tư Thiện đường một lần, thái tử ra gặp phụ thần, tham gia quyết đoán các việc trong các ti. Ngày 23 tháng 3 năm 1022, Chân Tông băng hà, thái tử lên tức vị hoàng đế, tôn Lưu hoàng hậu làm Hoàng thái hậu[15]. Trong 11 năm đầu tiên triều Nhân Tông, thực quyền cai quản đất nước nằm trong tay Lưu thái hậu.